Chào các bạn, hôm nay Lập trình không khó sẽ chia sẻ cho các bạn kỹ năng để viết CV ấn tượng trong mắt các nhà tuyển dụng. Các kinh nghiệm mà tôi chia sẻ ở đây được tổng hợp từ kinh nghiệm bản thân và kiến thức học hỏi từ nhiều nguồn trên internet. Hi vọng những chia sẻ về Cách viết CV ấn tượng dành cho dân công nghệ thông tin này sẽ giúp ích cho bạn.
1. CV là gì?
CV (viết tắt của cụm từ Curriculum Vitae) là một tờ giới thiệu về bản thân bạn: các kỹ năng, kinh nghiệm làm việc của bạn liên quan tới vị trí công việc mà bạn sắp ứng tuyển. Nó là bản tóm tắt những gì về bạn mà nhà tuyển dụng sẽ xem xét và quyết định có nên mời bạn đi phỏng vấn tiếp hay không. CV cũng góp phần đáng kể vào thành quả trong suốt quá trình phỏng vấn của bạn.
2. Chuẩn bị trước khi viết CV
Để có được 1 CV thật sự ấn tượng trước mắt nhà tuyển dụng, bạn cần nắm được những thông tin quan trọng sau đây trước khi viết CV:
- Mô tả của công việc bạn muốn ứng tuyển: công việc đó là gì? công việc đó yêu cầu những gì?… Qua đó bạn sẽ có cách viết nội dung CV phù hợp nhất. Các thông tin này có thể tìm thấy dễ dàng qua mô tả công việc(job descripsion).
- Thông tin công ty bạn sắp phỏng vấn: các dự án của công ty, lĩnh vực hoạt động, cơ hội phát triển… Điều này sẽ giúp bạn cả trong quá trình phỏng vấn về sau. Các thông tin này bạn có thể tìm hiểu qua website của công ty, bạn bè hoặc ai đó đã từng làm tại đó.
“Biết người biết ta
trăm trận trăm thắng”
- Nếu bạn có khả năng viết Tiếng anh tốt, ưu tiên viết CV bằng tiếng anh hoặc có thể nhờ bạn bè giỏi tiếng Anh. Tránh việc mắc lỗi chính tả/ngữ pháp trong CV dù là tiếng anh hay tiếng Việt.
- Nên tham khảo CV của những người có kinh nghiệm. Phần cuối bài mình sẽ nói thêm phần này.
3. Các thành phần của CV
Một CV có thể có nhiều đầu mục khác nhau, tùy vào nhu cầu của người viết và công việc bạn sắp ứng tuyển. Nhưng nhìn chung, các CV đều bao gồm các mục sau đây:
- Thông tin cá nhân(Personal Information)
- Vị trí ứng tuyển/ Tên công việc(Job title)
- Mục tiêu nghề nghiệp(Objective/Summary)
- Học vấn(Education)
- Kỹ năng(Skills)
- Kinh nghiệm làm việc(Working Experience)
- Hoạt động ngoại khóa (Extracurricular activities)
- Giải thưởng(Awards)
- Thông tin thêm(Sở thích, Người giới thiệu – Interests/References)
Lưu ý: Các mục bôi đậm nên/bắt buộc phải có trong 1 CV.
Sau đây, tôi sẽ đi sâu vào từng đầu mục trên.
3.1. Thông tin cá nhân
Mục thông tin cá nhân bạn nên trình bày các thông tin sau:
- Họ tên đầy đủ
- Ngày tháng năm sinh
- Địa chỉ hiện tại
- Số điện thoại liên hệ
- Website/Linkedin/Github: Bạn nên tạo profile LinkedIn/Github để điền vào hồ sơ thay vì điền link facebook cá nhân.
- Ảnh đại diện: Ưu tiên có ảnh, nên là ảnh tươi cười, thấy rõ mặt
3.2. Vị trí ứng tuyển
Vị trí ứng tuyển cũng là tiêu đề của CV. Nên cho nó kích thước nổi bật và trình bày rõ ràng về vị trí mà bạn sắp ứng tuyển. Chẳng hạn như: Java Developer, Machine Learning Engineer, Web Developer, Front-end Developer,…
3.3. Mục tiêu nghề nghiệp
Khi viết mục tiêu nghề nghiệp, bạn nên viết ngắn gọn & súc tích. Tập trung vào 2 yếu tố sau:
- Sơ lược ngắn gọn về kỹ năng và kinh nghiệm của bạn về vị trí mà bạn ứng tuyển
- Mục tiêu nghề nghiệp của bản thân liên quan tới công ty và vị trí ứng tuyển
Bạn nên xem xét việc gắn mục tiêu của mình với sự phát triển của công ty. Nêu tên công ty & vị trí công việc như trong mô tả công việc ở phần này để thể hiện bạn là người có sự quan tâm đặc biệt tới vị trí này.
3.4. Học vấn
Nêu rõ các thông tin sau đây:
- Tên trường
- Chuyên ngành
- Thời gian đào tạo, vd: 09/2014 – 03/2019
- Các khóa học có liên quan trực tiếp tới kinh nghiệm trong công việc này(nếu có)
- Điểm trung bình(GPA): không bắt buộc
3.5. Kỹ năng
Mục này bạn hãy trình bày các kỹ năng nổi bật đang có của mình, có thể tham khảo bao gồm các mục sau:
- Ngôn ngữ lập trình. VD: Java, C#, Python,…
- Cơ sở dữ liệu: MySQL, MSSQL, MongoDB,…
- Công cụ lập trình: Netbeans, MS Visual Studio, Git, SVN,…
- Kỹ năng mềm: Làm việc nhóm, Có khả năng trình bày tốt,…
- Ngôn ngữ: Có khả năng đọc hiểu tiếng anh chuyên ngành…
- Cấu trúc dữ liệu & giải thuật: Có hiểu biết về các CTDL & GT thông dụng
Ngoài ra, tùy vào vị trí mà bạn ứng tuyển thì nên có nhóm kỹ năng khác ứng với vị trí đó.
3.6. Kinh nghiệm làm việc
Mục này, các bạn cần trình bày theo trình tự cũ nhất ở cuối, mới nhất ở trên cùng. Ở đây sẽ có 2 đầu mục chính:
3.6.1. Các vị trí công việc đã trải qua
Liệt kê các vị trí/công ty mà bạn đã trải qua: bao gồm tên vị trí/ tên công ty/ nhiệm vụ chính… Nếu bạn chưa đi làm ở đâu hoặc thời gian thực tập/làm việc quá ngắn thì có thể bỏ qua.
3.6.2. Các dự án/project đã hoàn thành
Nếu bạn có nhiều dự án và đã làm qua nhiều công ty khác nhau. Nên xem xét tách mục này thành mục “Projects”/ “Dự án”.
Với mỗi dự án, hãy trình bày các thông tin sau:
- Tên dự án
- Mô tả tóm tắt về dự án: các đầu việc, kết quả
- Thời gian thực hiện
- Số lượng thành viên
- Vai trò của bạn
- Công nghệ sử dụng
- Nếu là opensource, hãy để link tới dự án đó.
Lưu ý: Đối với các bạn sinh viên, các dự án của bạn chính là các project môn học tại trường đại học hoặc các dự án mà bạn tự làm. Bạn nên trình bày rõ bạn học được những gì qua những project đó. Hãy đưa project đó lên Github và để link vào trong CV của bạn.
3.7. Hoạt động ngoại khóa
Đây là mục tùy chọn, tuy nhiên hãy cân nhắc bổ sung nếu bạn có các hoạt động ngoại khóa bổ ích. Nó thực sự có ý nghĩa trong mắt nhà tuyển dụng nếu bạn là một con người năng động, trẻ trung. Chẳng hạn như:
- Các hoạt động tình nguyện
- Tham gia các câu lạc bộ học tập, ngoại ngữ hay lập trình…
- Quản lý của nhóm lập trình trên facebook/ diễn đàn…
3.8. Giải thưởng
Mục này bạn nêu ra các giải thưởng đạt được và mốc thời gian trong quá trình học tập và làm việc(nếu có)
3.9. Các thông tin thêm
Bạn có thể trình bày về sở thích cá nhân của mình.
Nếu có thể, hãy thêm mục Người tham chiếu(Referenes): Những người có uy tín và có thể giúp bạn chứng minh năng lực của mình. Đó có thể là thầy cô giáo của bạn, quản lý của bạn ở công ty trước,… để nhà tuyển dụng có thể liên hệ để kiểm chứng. Bạn cần điền các thông tin về người tham chiếu bao gồm: Họ tên, Chức vụ/vị trí, email, Số điện thoại.
4. Các lưu ý trong cách viết CV
- Không nên viết quá dài, độ dài CV chỉ nên vào khoảng 1 – 2 trang giấy A4.
- Lưu tên CV chuyên nghiệp, vd: CV_NguyenVanHieu.pdf
- Liệt kê theo thứ tự thời gian từ gần tới xa.
- Trình bày thông nhất: cùng 1 ngôn ngữ, font chữ,…
- Nên lưu CV ở dạng PDF
- Sử dụng câu văn ngắn gọn, rõ ràng. Tránh trình bày mơ hồ, lan man. Tránh dùng dạng thang điểm để tự đánh giá năng lực bản thân.
- Nên tham khảo CV của các anh/chị, những người có kinh nghiệm trong lĩnh vực mà bạn sắp ứng tuyển trước khi viết CV.
- Có thể tham khảo các trang viết CV trực tuyến như: TopCV hoặc trang mình đang dùng sử dụng Latex để viết: Overleaf(ở dưới mình có share template/ bạn cũng có thể tự tìm)
- Cách tìm mẫu CV tham khảo: Tìm kiếm awesome cv trên Google, Github hoặc từ những người có tiếng tăm trong ngành.
Hi vọng bài chia sẻ cách viết CV ấn tượng này sẽ góp ích cho các bạn trong việc tạo một CV đẹp. Dưới đây là một số mẫu CV đẹp mình đang dùng và có thể bạn cũng sẽ thích:
Để lại một bình luận